SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE NẶNG LÀ GÌ?
I. Tổng quan
Sốt xuất huyết Dengue (SXH – D) là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở các quốc gia nhiệt đới, đặc biệt ở Việt Nam. Bệnh xảy ra quanh năm, gia tăng vào mùa mưa, gặp ở các trẻ em và người lớn.
Bệnh có biểu hiện đa dạng, đặc biệt dễ chuyển nặng ở một số đối tượng có yếu tố nguy cơ như dư cân, béo phì, trẻ nhũ nhi, người lớn tuổi, phụ nữ có thai, người lớn tuổi ( ≥ 60 tuổi), người có bệnh mạn tính đi kèm (thận, tim, bệnh lý về máu…) .
II. Phân độ
Bệnh phân thành 3 mức độ. Trong quá trình bệnh, bệnh nhân có thể chuyển đổi mức độ từ nhẹ đến nặng nhanh chóng, do đó khi thăm khám lâm sàng cần phân độ để có kế hoạch xử trí thích hợp.
SXH – D | SXH – D có dấu hiệu cảnh báo | SXH – D nặng | |
Triệu chứng lâm sàng | Sốt dưới 7 ngày Buồn nôn, nôn Phát ban Đau cơ, khớp, đau nhức 2 hốc mắt Xuất huyết da, dấu hiệu dây thắt |
Vật vã, lừ đừ, li bì Đau bụng nhiều, liên tục, ở vùng gan. Nôn ói nhiều (≥ 3 lần/ 1 giờ hoặc ≥ 4 lần/ 6 giờ). Xuất huyết niêm mạc: chảy máu chân răng, mũi, xuất huyết niêm mạc ít, tiểu máu. Gan to ≥ 2 cm dưới bờ sườn |
Sốc SXH – D Xuất huyết nặng Suy tạng |
Cận lâm sàng | Hematocrit (HCT) bình thường hoặc tăng Bạch cầu hình thường hoặc giảm Tiểu cầu bình thường hoặc giảm |
HCT tăng Tiểu cầu giảm nhanh AST/ ALT ≥ 400 U/L Tràn dịch màng phổi/ màng bụng. |
|
Xử trí | Điều trị ngoại trú. Tái khám mỗi ngày. |
Điều trị nội trú trong bệnh viện | Điều trị trong bệnh viện, ở các khoa Cấp Cứu – Hồi Sức. |
III. Sốt xuất huyết Dengue nặng: các biểu hiện
Đây là thể bệnh nguy hiểm nhất cần phải nhận biết sớm để xử trí kịp thời. Có 3 thể SXH -D nặng:
1. Sốc: do tình trạng thoát huyết tương nặng (Sốc SXH – D).
a. Lâm sàng:
- Huyết áp kẹp (hiệu áp ≤ 20 mmHg), tụt huyết áp hoặc không đo được.
- Mạch nhanh, nhẹ, khó bắt.
- Độ phục hồi mao mạch chậm (≥ 2 giây)
- Chi mát, lạnh, ẩm.
- Da nổi bong, vân tím.
b. Cận lâm sàng: tăng HCT khi HCT tăng > 20% so với gia trị ban đầu hoặc giá trị trung bình dân số (thông thường, HCT ở nữ là 38%, nam là 43%).
2. Xuất huyết nặng
Xuất huyết nhiều dẫn đến sốc, giảm hematocit (hoặc hemoglobin), thiếu oxy mô, toan chuyển hóa…
Các biểu hiện xuất huyết nặng thường thấy trên lâm sàng:
- Chảy máu mũi nặng (khó cầm, cần nhét bấc hoặc gạc cầm máu).
- Xuất huyết âm đạo nặng, liên tục, kéo dài.
- Xuất huyết trong cơ và mô mềm.
- Xuất huyết tiêu hóa (nôn ra máu, tiêu phân đen), xuất huyết nội tạng (não, phổi, gan, lách, thận).
3. Suy tạng
- Tổn thương gan nặng: AST, ALT ≥ 1000 U/L hoặc suy gan cấp (TQ kéo dài, tăng bilirubin, bệnh não gan…)
- Tổn thương thận cấp.
- Rối loạn tri giác (SXH – D thể não, viêm não do Dengue)
- Viêm cơ tim.
IV. Điều trị SXH – D nặng
Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu (điều trị kháng virus). Điều trị chủ yếu là triệu chứng và các biến chứng:
- Chống sốc bằng dịch truyền theo phác đồ bộ Y tế. Chọn loại dịch truyền, liều lượng và tốc độ phải theo chỉ định. Lưu ý việc truyền dịch phải thật sát sao theo chỉ định của bác sĩ, vì truyền dịch thiếu hay dư đều gây hại cho bệnh nhân.
- Truyền máu và các chế phẩm máu (theo chỉ định).
- Hồi sức hô hấp, tuần hoàn.
- Hạn chế các thủ thuật xâm lấn dễ gây chảy máu.
Diễn tiến sốc có thể kéo dài, tái sốc do đó trong quá trình điều trị luôn phải theo dõi sát sinh hiệu bệnh nhân (mạch, huyết áp), tình trạng tưới máu chi, nước tiểu, hô hấp bệnh nhân và diễn tiến dung tích hồng cầu.
V. Kết luận
SXH – D biểu hiện đa dạng, có thể diễn tiến nặng nhanh chóng, thậm chí tử vong. Do đó, bệnh nhân cần phải được theo dõi chặt chẽ, phát hiện sớm sốc và các thể nặng khác để xử trí kịp thời. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh hiệu quả.
TS.BS. Dương Bích Thủy
Phó trưởng khoa CCHSTCCĐ người lớn